Giải mã hành trình 7 năm Cốc Cốc – “người được chọn”
“Giai đoạn tăng trưởng nóng, chúng tôi có hàng triệu người dùng với chi phí marketing gần như 0 đồng!” – ông Nguyễn Vũ Anh – Phó tổng giám đốc Cốc Cốc đã bắt đầu buổi phỏng vấn về hành trình 7 năm Cốc Cốc như vậy.”
Với gần 25 triệu người dùng, vị trí thứ 2 trình duyệt Desktop, vị trí thứ 4 trình duyệt Mobile do người dùng chủ động lựa chọn ở thời điểm hiện tại, ít ai biết Cốc Cốc chỉ có 2 nhân viên marketing vào thời kỳ đầu. Triết lý kinh doanh tập trung phát triển sản phẩm cốt lõi đã theo Cốc Cốc từ những ngày đầu khởi nghiệp.
Có thể nói lợi thế cạnh tranh của Cốc Cốc so với những đối thủ ngoại quốc nằm ở yếu tố “nhất cự ly, nhì tốc độ”. Trong khi Google vẫn chưa mở văn phòng chính thức ở nước ta, hơn 400 nhân viên Cốc Cốc tại Việt Nam luôn đồng hành cùng mọi hoạt động của người Việt đáp ứng nhu cầu trong thời gian nhanh nhất. Sự lớn mạnh của Cốc Cốc đã khiến ông lớn Google dần “để mắt” hơn đến người dùng trên dải đất chữ S. Đơn cử như việc ra mắt trợ lý ảo Google Assistant tiếng Việt cho thị trường Việt Nam.
Ít nhất 2.000 giờ phát triển một tính năng mới
Không tính năng nào của Cốc Cốc bắt nguồn từ ý tưởng bất chợt, mà đều là kết tinh của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng.
Sử dụng thông tin nghiên cứu thị trường từ đội ngũ nội bộ và công ty hàng đầu như Nielsen là bước đầu tiên để sàng lọc nhu cầu còn bỏ ngỏ. Song song, Cốc Cốc tổng hợp thông tin người dùng tìm kiếm thường xuyên để xác định mối quan tâm của họ. Bảng khảo sát cộng đồng người dùng Cốc Cốc trên ứng dụng hay trên Facebook cũng được thực hiện thường xuyên để tìm hiểu nhu cầu và lắng nghe phản hồi chân thực từ người dùng.
“Chúng tôi thống kê hơn 80% người dùng Cốc Cốc sử dụng máy tính có RAM dưới 4GB, từ đó nghĩ đến việc xây dựng tính năng đóng bớt tab không cần thiết, tiết kiệm RAM cho tác vụ nhanh, mượt mà hơn.” – ông Vũ Anh chia sẻ về ví dụ cho tính năng Giải phóng Tab
Tìm ra ý tưởng mới chỉ là bước khởi điểm. Sau khi được hiện thực hóa, thiết kế sản phẩm mẫu (prototype) sẽ phải trải qua nhiều khâu thử nghiệm để kiểm tra tính khả dụng. Mời người dùng đến văn phòng tương tác trực tiếp, ghi lại từng thao tác, lắng nghe phản hồi, chỉnh sửa prototype rồi lặp lại quy trình trên là nhiệm vụ khiến không ít thành viên “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.
Hoàn thiện 99% tính năng nhưng đội ngũ Cốc Cốc vẫn chưa thể mừng vội. Bước tiếp theo, phiên bản thử nghiệm sẽ chỉ được phát hành giới hạn 5% – 10% – 20% người dùng để theo dõi chỉ số, phản ứng và chỉnh sửa tiếp nếu còn điểm nào chưa hoàn thiện. Có thể thấy, việc chính thức ra mắt một tính năng mới là quyết định vô cùng cẩn trọng của Cốc Cốc.
Ông Vũ Anh tiết lộ: “Chúng tôi gọi đây là quá trình không hồi kết bởi chỉ 1% sai sót cũng có thể gây ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dùng.”
… để tạo nên sản phẩm “đo ni đóng giày” cho người Việt
Quá trình phát triển sản phẩm kỳ công kể trên đã giúp những tính năng “nhỏ mà có võ” của Cốc Cốc được thị trường đón nhận. Chẳng hạn, đi từ sự thấu hiểu tính phức tạp của chính tả, ngữ pháp, hoàn cảnh sử dụng trong ngôn ngữ Tiếng Việt, Cốc Cốc cho ra mắt tính năng tự động điền dấu tiếng Việt, sửa lỗi chính tả giúp người Việt tiết kiệm thời gian tìm kiếm. Hay tính năng hiển thị tỉ số giữa các giải trong và ngoài nước khi tìm kiếm với từ khóa “bóng đá” – môn thể thao vua của người Việt.
Bên cạnh đó, Cốc Cốc còn giải quyết vấn đề lớn hơn của thị trường công nghệ. Trong 2 năm gần đây, dữ liệu Internet tăng lên tới 90%. Nội dung do người dùng tạo ra phát triển nhanh chóng, nhưng gây ra hỗn loạn giữa tin chính thống và giả mạo. Cốc Cốc Search trở thành công cụ giúp người dùng chọn thông tin đáng tin cậy thông qua hiển thị kết quả tìm kiếm được sàng lọc và đánh giá . “Nội dung hiển thị thân thiện, chính xác là chìa khóa Cốc Cốc đến gần với người dùng hơn” – ông Vũ Anh kết luận.
Không ngủ quên trên chiến thắng
Cốc Cốc có quyền tự hào về thành tựu trên chặng đường chưa đầy một thập kỷ bởi hiếm sản phẩm nội địa tại quốc gia nào đủ sức cạnh tranh với Google. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đội ngũ phát triển Cốc Cốc tham vọng xa hơn để sản phẩm đạt đến đỉnh cao mới.
Trong hành trình 1 năm tới, ban lãnh đạo đặt mục tiêu đầy thách thức: duy trì 20% thị phần trên Cốc Cốc Desktop; vượt Samsung lên top 3 trình duyệt di động tại Việt Nam trên Cốc Cốc Mobile; tăng gấp đôi thị phần từ 5,41% lên 10% trên Cốc Cốc Search. Chia sẻ về mục tiêu tham vọng này, ông Vũ Anh cho biết: “Những mục tiêu táo bạo từ lâu đã trở thành một phần văn hóa của Cốc Cốc. Chúng tôi không coi đó là áp lực, mà biến chúng thành động lực để cùng nhau cố gắng hết mình.”
Tin bài gốc: https://cafef.vn/giai-ma-hanh-trinh-7-nam-coc-coc-nguoi-duoc-chon-20200713111925659.chn