Vì đâu startup công nghệ Việt vẫn lép vế trên sân nhà: Cốc Cốc tố Google và Apple cạnh tranh không lành mạnh, Appota bảo tiền của game thủ chủ yếu “chạy” ra nước ngoài
Theo lãnh đạo của Cốc Cốc và Appota, các startup làm các ứng dụng giải trí của Việt Nam vẫn đang tự thân vận động và chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng của Nhà nước; nên ngay cả trên sân nhà họ vẫn bị các doanh nghiệp FDI chèn ép.
“Hiện tại, Cốc Cốc có khoảng 24 đến 25 triệu người dùng trên khắp Việt Nam. Cốc Cốc là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi không những không bị tác động bởi Covid-19 còn mà tăng trưởng tốt hơn trước kia.
Điều buồn phiền lớn nhất của chúng tôi ở thời điểm hiện tại là đang gặp sự cạnh tranh không lành mạnh lắm từ Google và Apple tại thị trường nội địa. Vậy nên, chúng tôi không thể cung cấp những giải pháp hoặc các chương trình giải trí tốt hơn cho người dùng Việt Nam”, bà Đào Thu Phương – Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc chia sẻ.
Trong vài năm gần đây, ngoài phát triển trình duyệt Cốc Cốc, doanh nghiệp này còn nung nấu ý định phát triển thêm các tính năng giải trí cho người dùng Việt. Tuy nhiên, kế hoạch này của họ gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là từ Google và Apple.
Mặc dù các app hoặc nội dung mà Cốc Cốc phát triển hoàn toàn tuân thủ những quy định quốc tế trong từng lĩnh vực, nhưng vì nội dung liên quan đến các nền tảng mà 2 ‘đại gia’ nói trên sở hữu, ví dụ như YouTube, nên bị Google yêu cầu phải gỡ ngay trong 7 ngày, nếu không sẽ phạt nặng hoặc sẽ bị cưỡng chế xóa app khỏi Google Play.
Ngoài ra, bởi sự độc quyền của Google Play và Apple Store, nên các sản phẩm của Cốc Cốc cũng rất khó tiếp cận các nhà sản xuất ứng dụng di động khác.
“Mong ước của chúng tôi là được Nhà nước hỗ trợ, nhằm giúp chúng tôi có thể có một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn với Google – Apple. Như tại Nga, nước này đã ra một đạo luật cho phép người dùng trong nước Nga được phép lựa chọn sử dụng ứng dụng nào mà họ thích trên điện thoại, khiến khả năng tiếp cận đến người dùng của các công ty công nghệ là như nhau’, bà Đào Thu Phương khuyến nghị.
Cách đây 3 tuần, Cốc Cốc cũng từng phát đi thông báo là Google đang ‘chơi xấu’ họ. Hành vi ‘chơi xấu’ của Google được Cốc Cốc miêu tả cụ thể như sau:
Tác nhân người dùng – User agent (viết tắt: UA) – là một chuỗi văn bản giúp định danh trình duyệt khi kết nối tới các trang web. Các trình duyệt khác nhau sẽ có chuỗi UA riêng biệt khác nhau. Giải thích một cách đơn giản hơn, chuỗi UA sẽ giúp xác định được người dùng đang truy cập bằng trình duyệt nào, hệ điều hành gì và thậm chí là cả loại thiết bị (di động, máy tính hay máy tính bảng) mà họ đang sử dụng chỉ nhờ quá trình duyệt web thông thường.
Cốc Cốc cho biết, thông qua các chuỗi UA, Google đã liên tục chặn Cốc Cốc trong một số dịch vụ của họ. Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến chính là hồi tháng 5 vừa qua, người dùng Cốc Cốc không thể đăng nhập bằng tài khoản của Google như Gmail để đồng bộ trên trình duyệt. Đây là một động thái cạnh tranh không công bằng giữa các đối thủ trong cùng một thị trường – trình duyệt và công cụ tìm kiếm.
Cũng như Cốc Cốc, Appota là một công ty công nghệ được hưởng lợi lớn từ Covid-19. Hiện startup này có 4 mảng chính là game (Gamota), quảng cáo (Adsota), thanh toán (AppotaPay) và hosting (Kdata); theo ông Đỗ Tuấn Anh – Founder kiêm CEO Appota, thì game đang là mảng phát triển tốt nhất trong đại dịch.
“Trong Covid-19, cơ hội phát triển của ngành game là rất lớn. Vì mọi người ở nhà quá nhiều khiến nhu cầu chơi game cao, giúp ngành game thế giới tăng trưởng gấp 2 đến 3 lần so với trước đại dịch, doanh thu ngành game còn lớn hơn cả điện ảnh lẫn âm nhạc.
Tại Việt Nam cũng vậy, sự tăng trưởng của ngành game đang hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, dòng tiền không chạy vào túi doanh nghiệp Việt mà toàn chạy ra nước ngoài”, ông Đỗ Tuấn Anh khẳng định.
Mặc dù, ngành game Việt đã nhận được nhiều sự quan tâm nhưng mới ở cấp Cục và Bộ chứ chưa lên cấp Nhà nước; tức chúng ta vẫn chưa có một chiến lược phát triển tầm quốc gia cho ngành này. Vậy nên, các công ty phát triển game vẫn đang xây dựng và phát triển khá tự phát; kể cả ai đó có ‘hùng tâm tráng chí’ muốn phát triển một game có thể cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài, chủ yếu cũng là tự thân vận động.
Hơn nữa, công ty game Việt còn không có ‘vũ khí’ dòng tiền, khi tiền của game thủ Việt chủ yếu đi ra nước ngoài và chảy vào túi các công ty Việt không nhiều.
Thống kê của Bộ TT&TT vào năm 2020 cho thấy: gần 87% trò chơi điện tử trên mạng được phát hành hợp phát tại Việt Nam có xuất xứ nước ngoài, trong đó 69% đến từ Trung Quốc.
Đáng chú ý khi chỉ 23% doanh nghiệp được cấp Giấy phép G1 có hồ sơ đề nghị phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi G1. Đây là các tựa game có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp cung cấp.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp chỉ lợi dụng việc có giấy phép G1 để xuất trình cho doanh nghiệp viễn thông và đơn vị thanh toán nhằm phát hành game không phép. Vụ Rikvip của Công ty CNC là trường hợp điển hình.
Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác làm trung gian thanh toán cho các game không phép phát hành qua 2 kho ứng dụng Apple Store và Google Play. Còn theo khảo sát sơ bộ của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, doanh thu từ game lậu chiếm 30% doanh thu toàn thị trường game Việt Nam.
Theo đó, có thể thấy, ngành công nghiệp trò chơi ở nước ta hiện nay thực chất chỉ là thị trường phát hành game cho nước ngoài và từ đó hưởng doanh thu theo tỷ lệ thỏa thuận.
Cũng theo anh Đỗ Tuấn Anh, hy vọng game Việt có thể đấu sòng phẳng với thế giới nằm cả ở thể loại NFT Blockchain. Hiện tại, với sự thành công nổi trội của Axie Infinity, đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt đang lao vào đầu tư sản xuất thể loại game mới này. Nếu Nhà nước có thể nghiên cứu và hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp Việt có nhiều thuận lợi hơn khi cạnh tranh khi ra biển lớn, sẽ tạo được nhiều giá trị mới cho đất nước.
Quỳnh Như